Nhờ giá tiêu thụ nông sản thuận lợi, nhất là giá lúa tăng ở mức cao nên đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Giá cá tra xuất khẩu ở mức từ 27.000 - 30.000 đồng/kg, giá cá tiêu thụ nội địa cũng ổn định giúp người nuôi có lãi... Diện tích canh tác lúa hiện còn 12.183ha, rau màu trên 4.406ha, cây ăn trái hơn 8.062ha. Cây màu xuống giống ước hơn 16.000/23.348ha. Tình hình tiêu thụ thuận lợi, giá cả có lúc tăng, giảm nhẹ tùy thời điểm nhu cầu của thị trường. Tổng diện tích liên kết tiêu thụ 255,7ha (Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH TM Tân Thành, Công ty Lúa giống Chợ Mới, Công ty Sunrice).
Xác định tầm quan trọng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, hướng đến nền kinh tế xanh và bền vững. Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông Chợ Mới đã xây dựng và triển khai thực hiện mô hình “Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ” tại hộ ông Lê Văn Đạt (ấp An Tịnh, xã An Thạnh Trung). Giống lúa thực hiện là OM 380, với diện tích 3ha. Nông dân thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức và cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật mới áp dụng vào quá trình canh tác lúa. Qua thực hiện mô hình, giúp giảm 50% lượng giống gieo sạ, giảm 57,3% lượng phân bón, cây sinh trưởng và đảm bảo số chồi tốt, khả năng chống chịu sâu, bệnh tốt hơn so đối chứng; năng suất cũng cao hơn 1,5 tấn/ha.
Sản xuất xoài xuất khẩu
Diện tích chuyển dịch tiếp tục tăng, từ 374ha vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, rau màu (nâng tổng diện tích đã chuyển dịch đến nay hơn 10.019ha). Trong đó, chuyển dịch từ đất lúa 7.769ha, chuyển từ màu sang cây ăn trái 2.020ha, chuyển từ vườn tạp sang màu và chuyển từ vườn tạp sang cây ăn trái. Điển hình, trong vụ đông xuân năm 2024, từ đất lúa sản xuất kém hiệu quả, nông dân xã Nhơn Mỹ chuyển sang trồng đậu nành rau với diện tích 4ha, liên kết tiêu thụ với Công ty Antesco bao tiêu sản phẩm. Nông dân Phạm Văn Thơm (xã Kiến An) chia sẻ: “Từ diện tích trồng rau màu, tôi đầu tư thêm hệ thống công nghệ tưới phun sương, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Nguyễn Thị Thúy Hậu cho biết: “Bên cạnh lúa, đến nay, tổng diện tích cây ăn trái của huyện hơn 8.100ha. Trong đó, diện tích trồng xoài 6.305ha (chiếm 78,2% diện tích cây ăn trái toàn huyện) và một số loại cây trồng khác có diện tích lớn, như: Mít trên 489ha (chiếm 6,1%), sầu riêng 311ha (chiếm 3,9%)... Huyện đang đề nghị tỉnh cấp mới 13 mã số vùng trồng xoài da xanh, hạt lép xuất khẩu, với diện tích 1.642ha. Đến nay, huyện đã cấp 82 mã số vùng trồng trên lúa, màu, cây ăn trái, với tổng diện tích 8.421,74ha. Tổng diện tích được chứng nhận VietGAP toàn huyện đến nay trên 1.099ha, trong đó, diện tích xoài 854,64ha, xoài Hòa Lộc 22,13ha, lúa 222,25ha, bắp non 20,5ha và rau màu các loại 2ha. Theo đó, tổng diện tích liên kết tiêu thụ nông sản ở huyện hiện hơn 515,3ha, trong đó liên kết tiêu thụ lúa với Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH TM Tân Thành, Công ty Sunrice... được 133ha. Liên kết sản xuất tiêu thụ bắp non, đậu nành rau, rau màu các loại với Công ty Antesco, Công ty CP TNHH Nam Phương, Nông Trại Ếch Ộp… được 255,7ha. Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng liên kết với các công ty xuất khẩu hơn 130 tấn xoài.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Mới Nguyễn Thị Thúy Hậu, chăn nuôi, thủy sản ở Chợ Mới cũng phát triển. Tổng đàn gia súc, gia cầm với hơn 511.000 con; diện tích thả nuôi thủy sản đạt gần 30ha. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động ngành nông nghiệp, huyện Chợ Mới tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp tình hình nguồn nước, mùa vụ sản xuất và thị trường. Thường xuyên thăm đồng kiểm tra tình hình sâu bệnh trên cây trồng để kịp thời dự báo thông tin, khuyến cáo người dân phòng trị kịp thời hiệu quả các đối tượng dịch hại. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhằm giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần cho tăng trưởng.
“Đặc biệt, tăng cường kết nối sản xuất theo hợp đồng liên kết; sản xuất gắn với tiêu thụ, liên kết với doanh nghiệp, để tháo gỡ vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Hỗ trợ thông tin thị trường, giúp nông dân định hướng tốt trong chuyển đổi; tuyên truyền, khuyến cáo bà con sản xuất theo chuẩn hữu cơ, chuẩn an toàn, chuẩn VietGAP, tham gia xây dựng mã số vùng trồng… để tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp”- Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Cù Minh Trọng đề nghị.
Chợ Mới khuyến khích, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, kết hợp đầu tư nhà máy sơ chế, kho bảo quản, tồn trữ sản phẩm gần vùng nguyên liệu. Đồng thời, hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận các chính sách khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của huyện, phát triển các sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh tuyên truyền nông dân hiểu và tham gia Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc- ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh.
Nguồn: baoangiang.com.vn
Bình luận